TÓM TẮT
Nghiên cứu xây dựng bản đồ ô nhiễm ozone và chế độ ô nhiễm ozone tại thành phố Cần Thơ từ đó đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm ozone
Thành phố Cần Thơ là một trong 5 thành phố lớn nhất cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và tập trung đông dân cư với 1.251.809 triệu dân, hoạt động giao thông nhộn nhịp với 566.593 xe máy và 15.105 xe ô tô các loại và có hàng trăm nhà máy đang hoạt động. Kết quả quan trắc môi trường không khí cho thấy có ba thông số ô nhiễm không khí (bụi, ozone và tiếng ồn) tại Cần Thơ đang vượt mức cho phép đối với chất lượng không khí xung quanh. Mặc dù vậy, hiện nay thành phố Cần Thơ chưa có một nghiên cứu nào về ô nhiễm không khí, vì vậy nên chưa có cái nhìn tổng quan về tình hình ô nhiễm không khí cũng như chưa có biện pháp hạn chế tình trạng gia tăng ô nhiễm của thành phố.
Mục đích của nghiên cứu này là thu thập lượng phát thải khí thải từ hoạt động của các nguồn: Nguồn điểm, nguồn giao thông, nguồn diện. Sau đó, sử dụng phát thải khí thải như thông số đầu vào cho mô hình lan truyền ô nhiễm không khí TAPOM để mô phỏng tác động của ozone đến khu vực xung quanh và nghiên cứu chế độ ozone tại thành phố Cần Thơ.
Kết quả nghiên cứu thấy rằng nồng độ trung bình 1 giờ cao nhất cho O3 là 196 µg/m3. So sánh với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về không khí xung quanh QCVN 05:2013/BTNMT trung bình 1 giờ thì O3 có nồng độ mô phỏng xấp xỉ ngưỡng cho phép. Kết quả nghiên cứu chế độ ozone cho thành phố Cần Thơ đã xác định được khu vực nhạy cảm với VOC là quận Ninh Kiều và 1 phần phía nam quận Bình Thủy, khu vực nhạy cảm với NOx là các khu vực còn lại của thành phố Cần Thơ. Từ đó xác định được nguyên nhân chính góp phần làm tăng lượng phát thải VOC tại khu vực trung tâm thành phố Cần Thơ chính là xe gắn máy, lượng phát thải NOx tại các khu vực còn lại của thành phố Cần Thơ chủ yếu là hoạt động của các doanh nghiệp xay xát và chế biến gạo. Sau đó đưa ra các đề xuất để bảo vệ chất lượng không khí xung quanh cho thành phố Cần Thơ.
Nghiên cứu xây dựng bản đồ ô nhiễm ozon |