NHẬN XÉT MỚI

Liên kết

Thông báo mới

Welcome to www.tailieumoitruong.org Thư viện chia sẻ tài liệu môi trường miễn phí

Hướng dẫn vận hành và kiểm soát sự cố trong hệ thống xử lý nước thải

0 Lượt xem: | Nhận xét: 1
Hướng dẫn vận hành và kiểm soát sự cố trong hệ thống xử lý nước thải Hướng dẫn vận hành và kiểm soát sự cố trong hệ thống xử lý nước thải
9/10 356 bình chọn

I - Vận hành hệ thống điện và tủ điện điều khiển


1.  Tủ điều khiển trung tâm 

Trên tủ điều khiển có một số công tắc chính như sau:
-  1 đồng hồ Vôn kế
-  1 đồng hồ Ampe kế
-  1 công tắc Tắt Khẩn Cấp
-  3 đèn báo pha
-  1 CB tổng (aphtomat)
-  1 thiết bị bảo vệ mất pha
-  Mỗi máy/thiết bị có 2 đèn báo: Xanh: hoạt động; Vàng: Quá tải
-  Các máy có 2 chế độ hoạt động: tự động và bằng tay sử dụng Công Tắc ở 3 vị trí: MAN – OFF – AUTO
-  Các máy không có chế độ tự động, thì sử dụng Công Tắc ở 2 vị trí: ON/OFF
-  Khi có sự cố, tín hiệu được báo lên chuông và đèn tại vị trí các máy có sự cố.
Ngoài tủ điều khiển trung tâm đặt tại nhà điều hành, còn có tủ điểu khiển đặt tại cụm xử lý bùn, cụm đốt khí biogas.
Toàn bộ quá trình kiểm soát, điều khiển và hiển thị bằng máy tính (PC), giao diện với người vận hành thông qua chương trình SCADA.

2.  Kiểm soát hoạt động 

-  Toàn bộ hoạt động của hệ thống được điều khiển bằng PLC (Programmable Logical Controller). PLC được gắn trong tủ điều khiển trung tâm.
-  PLC có cổng MPI để kết nối với PC.
-  Toàn bộ quá trình được quan sát trực quan bằng các đèn tín hiệu trên panel tủ điều khiển hoặc trên hệ thống SCADA.
-  Hệ thống PLC được lập trình để điều khiển toàn bộ quá trình xử lý, các thông số dễ dàng điều chỉnh trực tiếp trên PC. Trong trường hợp mất nguồn đột ngột, PC vẫn được bộ lưu điện (UPS) nuôi nguồn. Sau khi có nguồn trở lại PLC có khả năng tự động khởi động lại chương trình.

3.  Chức năng chính của PLC

-  Kiểm soát các tín hiệu truyền anologue hoặc số
-  Kiểm soát sự hoạt động của các thiết bị: bơm nước thải, bơm bùn, máy thổi khí…
-  Nhận các tín hiệu điều khiển từ các công tắc phao, tình trạng hoạt động của thiết bị
-  Phát tín hiệu điều khiển đến các thiết bị và kích hoạt các thiết bị này
-  Có khả năng dễ mở rộng hệ thống trong tương lai.

4.  Hệ thống SCADA  

-  SCADA có chức năng để người vận hành có thể quan sát được thời gian hoạt động và thời gian dừng của từng máy (chỉ áp dụng cho những máy hoạt động theo chu kỳ thời gian (T chạy, T nghỉ) đồng thời các khối thời gian này có thể dễ dàng điều chỉnh trực tiếp qua hệ thống SCADA khi cần thiết. Tính năng này áp dụng chung cho tất cả các máy hoạt động theo chu kỳ thời gian.
-  Trên màn hình lần lượt thể hiện được các nội dung:  Sơ đồ công nghệ chi tiết, trong đó thể hiện được trạng thái các máy đang hoạt động (tại vị trí máy đang hoạt động có màu xanh) và các máy không hoạt động (có màu xám).
-  Trên màn hình máy tính người vận hành có thể kiểm soát được giá trị của tất cả các thiết bị đo (lưu lượng, pH, DO,….).

II - Quy trình kiểm tra và vận hành

1 - Kiểm tra và cài đặt thông số vận hành

1.1.  Kiểm tra lượng hóa chất sử dụng    

Kiểm tra mực hóa chất ở tất cả các bồn chứa. Đảm bảo mực nước tối thiểu để vận hành không được nhỏ hơn 1/4 chiều cao bồn chứa (mực nước phải ngập cánh khuấy), không được thấp hơn đầu ống hút của bơm định lượng. 
Ghi chép đầy đủ số lượng hóa chất sử dụng trong từng ca làm việc. 
Các loại hóa chất sử dụng cho hệ thống xử lý nước thải bao gồm: 
-  Dung dịch axít Sunfuaric - H2SO4 (32%) 
-  Dung dịch xút Natri Hydroxit - NaOH (32%) 
-  Dung dịch Javel NaOCl (10%) 
-  Polymer Cation - dạng rắn 
Các hóa chất dạng dung dịch như: H2SO4 (32%); NaOH (32%); và NaOCl (10%) đều có sẵn trên thị trường tại nồng độ như trên, nên đơn giản mua về và rót vào bồn chứa đến mức qui định. 
Các hóa chất dạng rắn như polymer khi mua về cần phải pha trước khi sử dụng. Cách pha hóa chất dạng rắn như sau:  
-  Cân hoặc định lượng hóa chất cần pha theo bảng khối lượng bên dưới 
-  Mở van nước cấp cho vào bồn hóa chất đến ½ bồn. 
-  Cho từ từ lượng hóa chất trên vào bồn và đồng thời bật motor khuấy để hóa chất tan hoàn toàn vào nước cho đến khi hết lượng hóa chất trên. 
-  Mở van nước cấp tiếp tục cho nước vào đầy bồn. 
-  Tắt motor khuấy.

1.2.  Kiểm tra tủ điện điều khiển trung tâm 

-  Kiểm tra về điện áp: đủ áp (380-400V), đủ pha (3 pha). Nếu không đủ điều kiện vận hành: mất pha, thiếu hoặc dư áp thì không nên hoạt động hệ thống vì lúc này các thiết bị sẽ dễ xảy ra sự cố.
-  Kiểm tra trạng thái làm việc của các công tắc, cầu dao. Tất cả các thiết bị phải ở trạng thái sẵn sàng làm việc.
* Lưu ý: Đối với những nhân viên không được giao nhiệm vụ vận hành, tuyệt đối không điều chỉnh các công tắc trên tủ điện điều khiển.

1.3.  Kiểm tra hệ thống van và đường ống công nghệ   

Kiểm tra các van trên đường ống đã đúng vị trí đóng/mở phù hợp với quy trình vận hành hay chưa. 
Lưu ý: Đối với những nhân viên không được giao nhiệm vụ vận hành, tuyệt đối không tự ý đóng mở các van trên đường ống.

1.4.  Kiểm tra thiết bị  

Trước khi bật máy cũng như sau khi máy đã hoạt động cần kiểm tra tình trạng của tất cả các thiết bị trong HTXLNT. Sau khi hệ thống hoạt động liên tục, ổn định cần kiểm tra lại tình trạng của các thiết bị, máy móc sau mỗi ngày, chú ý những hiện tượng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của chúng.

Xem thêm: Thi công  lắp đặt hệ thống xử lý nước thải

2 - Quy trình vận hành

2.1.  Vận hành các thiết bị trong phạm vi điều khiển của tủ điều khiển trung tâm   

Sau khi tiến hành các bước kiểm tra và chuẩn bị hóa chất, ta tiến hành cho hệ thống đi vào hoạt động theo các quy trình sau:  
-  Bước 1: Mở cửa tủ điều khiển (TĐK) trung tâm, kéo các công tắc trên các CB con để chuyển tất cả CB con sang vị trí ON (nếu trước đó chưa bật). Điều này cho phép điện đã sẵn sàng ở các tiếp điện vào của tất cả các khởi động từ. 
-  Bước 2: Đóng cửa tủ điều khiển 
-  Bước 3: Sau khi đã chuẩn bị xong TĐK, chuyển sang bước 4 bắt đầu tiến hành cho hệ thống đi vào hoạt động. Trường hợp có sự cố, dừng và kiểm tra, tìm nguyên nhân và khắc phục, sau khi giải quyết xong thì chuyển sang bước 4.

A.  Vận hành ở chế độ tự động 

-  Bước 4: Bật công tắc của các thiết bị tại vị trí “AUTO”. Lúc này các thiết bị sẽ được điều khiển bởi PLC và hệ thống SCADA, các thiết bị sẽ  hoạt động theo chương trình cài đặt như đã nêu tại bảng trên.   

B.  Vận hành ở chế độ không tự động 

Chế độ vận hành không tự động chỉ sử dụng trong trường hợp thử máy. Khi đó chỉ cần bật máy sáng chế độ MAN. Lưu ý trong khi vận hành các máy bơm ở chế độ không tự động, cần theo dõi mực nước, không để bị cạn, có thể cháy bơm. 

C. Dừng do sự cố   

-  Khi hệ thống điện gặp sự cố chạm đất, CB tổng sẽ tự động ngắt. Trước khi khởi động lại hệ thống cần phải kiểm tra và khắc phục thiết bị đã bị chạm.
-  Khi đèn vàng trên bảng điều khiển bật sáng báo hiệu máy/thiết bị tại vị trí tương ứng gặp sự cố => bật công tắc và CB của thiết bị đó sang vị trí “OFF”để kiểm tra và phát hiện sự cố. 
* Lưu ý: Trong trường hợp dừng hệ thống bằng nút EM.STOP hoặc bằng đóng CB tổng trong TĐK hoặc do cúp điện thì khi khởi động lại nên bật tất cả các công tắc về trạng thái OFF và thực hiện lại quá trình vận hành từ Bước 1 như trên. Điều này giúp tránh các máy đồng loạt khởi động gây sụt áp hệ thống. 

2.2.  Vận hành máy ép bùn 

A. Phương pháp vận hành 

-  Mở bảng điều khiển và bật tất cả công tắc CB trong hộp điều khiển, sau đó đóng tủ lại. Bật công tắc nguồn chuyển về vị trí “ON”, đèn màu trắng hiện thị sẽ sáng lên. Tại thời điểm này, máy đã sẵn sàng vận hành.   
-  Muốn hoạt động máy, trước tiên máy nén khí phải được bật lên đầu tiên. Bật công tắc máy nén khí đến vị trí ON. Vào lúc này, máy nén bắt đầu hoạt động và áp lực tăng dần. Chỉ bắt đầu bước kế tiếp khi áp lực đạt đến giá trị nhất định (trong khoảng 5 kg/cm2 – 6 kg/cm2). Vì sự an toàn của máy, máy được thiết kế để khóa tất cả các hoạt động tiếp theo nếu máy nén không bật hoặc không đạt yêu cầu về áp lực. 
-  Kiểm tra áp lực trên đồng hồ điện áp là đúng. 
-  Cân chỉnh vải lọc căng ra. 
-  Sau khi hoàn tất các bước trên, bắt đầu vận hành máy. Máy có thể vận hành bằng tay (MAN) hoặc tự động (AUTO).  

*  Chế độ vận hành bằng tay (MAN)  
-  Bật công tắc của động cơ truyền động về vị trí bằng tay (MAN)  
  • Kiểm tra tình trạng hoạt động của động cơ truyền động 
  • Kiểm tra tốc độ và chế độ làm việc của băng tải  
  • Kiểm tra hệ thống kiểm soát băng tải hoạt động bình thường không 
-  Bật công tắc bơm rửa sang vị trí “MAN” và cho bơm hoạt động hơn 5 phút 
  • Kiểm tra nguồn nước có bình thường không  
  • Kiểm tra áp lực nước ở vòi phun có bình thường không 
-  Bật công tắc máy khuấy bồn khuấy trộn bùn & hóa chất trên máy ép bùn sang vị trí “MAN” 
-  Bật công tắc bơm polymer và bơm bùn sang vị trí “MAN” 
  • Kiểm tra tình trạng hóa chất và nước sạch pha hóa chất. Đảm bảo hóa chất đã được pha sẵn đầy đủ trước khi vận hành máy. 
  • Motor khuấy trong bồn hóa chất chỉ hoạt động khi pha hóa chất.        
*  Chế độ vận hành tự động (AUTO) 
Ở chế độ Auto, đầu tiên cần cho từng máy hoạt động ở chế độ không tự động để kiểm tra máy có hoạt động bình thường không. Ở chế độ vận hành tự động, bật các công tắc sang vị trí “AUTO”. Lúc này, máy sẵn sàng xử lý bùn. Bộ kiểm soát mực nước kiểm tra lượng bùn trong bể đạt đến mức cài đặt chưa. Mực nước có thể xác định bởi 3 bộ kiểm soát mực nước: E1, E2, E3. Nếu bùn đạt mức trên, motor vận hành băng tải, bơm rửa, máy khuấy thùng khuấy trộn, bơm bùn và bơm polymer bắt đầu hoạt động. Nếu bùn xuống mực dưới, các motor trên sẽ dừng hoạt động. Bộ kiểm soát mực nước sẽ tự động khởi động lại khi mực bùn đạt lại mực trên. 

B.  Quy trình dừng máy 

-  Bật công tắc bơm bùn và bơm hóa chất sang vị trí “STOP” 
  • Đóng van trên đường ống 
  • Đảm bảo không còn bùn trong thùng khuấy trộn 
  • Đảm bảo không còn bùn trên băng tải 
-  Bật công tắc motor vận hành máy khuấy thùng khuấy trộn sang trị trí “STOP” 
  • Sau khi tiến hành ép bùn xong, để bơm rửa hoạt động khoảng 30 phút. Sau đó bật công tắt bơm sang vị trí “STOP” 
  • Kiểm tra các lỗ lọc của băng tải đã sạch chưa 
  • Tắt motor vận hành băng tải 
-  Tắt máy nén khí hoặc nguồn cấp khí 
-  Tắt nguồn cấp điện 
-  Vệ sinh máy 
-  Nếu nhân viên vận hành có việc phải đi, để đảm bảo an toàn tắt nguồn cấp điện 
-  Trong quá trình vận hành máy, nếu có sự cố bất thường xảy ra, bật công tắc máy nén khí sang vị trí “OFF”, một lúc sau máy sẽ dừng. Hoặc có thể nhấn công tắc “EM.STOP” bên hông máy để dừng khẩn cấp máy. Nếu muốn khởi động lại máy, xoay công tắc “EM.STOP” theo chiều mũi tên để nhả nút, lúc đó máy có thể khởi động lại. 
-  Nếu phải mở tủ điện để kiểm tra, trước tiên phải đảm bảo tắt CB chính. Tuy nhiên, đề nghị thực hiện việc kiểm tra bởi thợ điện đã được đào tạo an toàn về điện. 

C. Dừng khẩn cấp  

*  Thiết bị bảo vệ băng tải 
  • Máy ép bùn băng tải có trang bị hệ thống điều chỉnh băng tải (bằng công tắc van và xy lanh khí nén) và thiết bị bảo vệ băng tải (nhờ công tắc hành trình). Hệ thống điều chỉnh băng tải dễ bảo trì và điều chỉnh. Lượng dầu nhớt tiêu hao cho bộ kiểm soát khí rất ít, do đó hệ thống tiêu tốn chi phí rất thấp. 
  • Hệ thống điều chỉnh băng tải gồm bộ cảm biến vị trí đặt ở các góc băng tải. Nó được vận hành bởi các rulô điều chỉnh và tăng khí riêng cho mỗi băng tải và điều chỉnh băng tải vào đúng vị trí. Nếu hệ thống cân chỉnh băng tải hỏng, máy ép bùn sẽ dừng khi băng tải chạm vào thiết bị bảo vệ. 
*  Dừng khẩn cấp 
  • Trong suốt quá trình vận hành máy, nếu xảy ra tình trạng bất thường, nhấn nút “EM.STOP” bên hông máy để dừng máy khẩn cấp. Nếu muốn khởi động lại máy, xoay công tắc này theo chiều mũi tên để nhả nút, sau đó máy có thể hoạt động lại. 

2.3. Vận hành hệ thống đốt khí biogas

Hệ thống đốt khí biogas được điều khiển bởi tủ điện đặt tại vị trí đầu đốt. Tủ điện này được cấp nguồn từ tủ điều khiển trung tâm. Trên máy vi tính sẽ thể hiện được trạng thái cấp nguồn/ngắt nguồn điện vào tủ điện điều khiển đốt khí biogas. Nguyên tắc hoạt động của hệ thống này như sau: 
-  Khí biogas từ bể UASB được thu gom bằng hệ thống ống đưa vào đầu đốt. 
-  Khi lưu lượng khí tăng, áp suất khí tăng, giá trị trên đồng hồ đo áp > 25mmbar, 01 van điện tự động mở cho dòng khí đi đến đầu đánh lửa. 
-  Sau khi van điện tư động mở, đầu đánh lửa sẽ tự động đánh lửa theo thời gian và theo nhiệt độ T tại đầu đánh lửa như sau: 
  • Nếu T < 60oC, thì đầu đánh lửa sẽ đánh lửa với chu kỳ: 5 phút/lần.  
  • Nếu T ≥ 60oC, thì đầu đánh lửa sẽ ngừng đánh lửa 
*  Ghi chú: thông số thời gian và nhiệt độ T có thể thay đổi theo giá trị thực tế.

3. Kiểm soát sự cố trong vận hành


3.1.  Kiểm soát chất lượng nước thải đầu vào   

Định kỳ lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu thông thường của nước thải đầu vào như: pH, SS, BOD, COD, tổng Nitơ, tổng Phốtpho.  
Khi lưu lượng và chất lượng nước thải tiếp nhận thay đổi, thì môi trường các bể xử lý phía sau thay đổi theo. Nên nếu lưu lượng vào hoặc nồng độ chất ô nhiễm trong dòng vào tăng đáng kể (quá 10%), cần phải điều chỉnh các thông số vận hành và kiểm soát lại việc xả thải của nhà máy sản xuất.

1.1.  Lưu lượng

Kiểm tra lưu lượng nước thải là cần thiết cho sự duy trì hoạt động ổn định của hệ thống.

1.2.  BOD, COD 

Kiểm tra nồng độ COD để kiểm soát các quá trình trong bể. Tỉ số BOD/COD cho biết tỉ lệ các chất hữu cơ dễ phân huỷ sinh học có trong nước thải. BOD là thông số thể hiện lượng chất hữu cơ có thể bị oxy hoá bằng vi sinh vật. Chỉ số COD thể hiện toàn bộ chất hữu cơ bị oxy hóa thuần tuý bằng tác nhân hóa học. Tỷ số BOD/COD dùng kiểm soát nồng độ chất hữu cơ thích hợp cho quá  trình xử lý sinh học.

1.3.  Các chất dinh dưỡng

Nitơ, phospho là hai thành phần dinh dưỡng quan trọng nhất cho sự phát triển của vi sinh vật. Nitơ và phospho cần có số lượng đủ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của các vi sinh vật. Tỷ lệ BOD:N:P trong bể cân bằng cần duy trì  100:5:1 là đáp ứng tương đối đủ cho nhu cầu phát triển của các vi sinh vật. 

1.4.  pH

Quá trình xử lý sinh học hiếu khí hoạt động tốt ở pH = 6.5 - 8.5. Nếu pH thay đổi thì cần phải bổ sung axit/xút để đưa pH của bể về môi trường thích hợp cho vi sinh vật hoạt động.

1.5.  Nhiệt độ

Xử lý nước thải bằng phương pháp xử lý sinh học hiếu khí thực chất là quá trình oxy hóa chất hữu cơ bởi các vi sinh vật. Do đó yêu cầu kiểm tra nhiệt độ của nước tạo điều kiện cho các vi sinh vật phát triển để nâng cao hiệu quả xử lý của bể. Điều kiện tốt nhất là duy trì nhiệt độ của dòng nước thải trong khoảng 25 – 35oC (đây là khoảng nhiệt độ bình thường tại Việt Nam).

3.2.  Kiểm soát thông số vận hành bể UASB  

Trong quá trình vận hành hằng ngày, người vận hành phải duy trì sự hoạt động ổn định và hiệu quả của bể UASB, nhằm đảm bảo chất lượng nước sau xử lý. Một số thông số quan trọng cần kiểm soát hằng ngày trước khi bơm nước thải vào bể UASB.     

2.1.  Nhiệt độ 

Nhiệt độ nước thải đầu vào bể UASB ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý của các vi sinh vật. Khoảng nhiệt độ từ 20 – 40oC là khoảng tối ưu cho quá trình xử lý tại đây. 

2.2.  pH 

Giá trị pH tối ưu cho quá trình xử lý kị khí là 6 – 8. 

2.3.  Độ kiềm 

Phải duy trì độ kiềm trong nước khoảng 1000 – 1500mg/L để làm dung dịch đệm để giữ độ pH của nước không nhỏ hơn 6.3.   

2.4.  Tỉ lệ giữa COD và các chất dinh dưỡng N/P 

Nitơ, phospho là hai thành phần dinh dưỡng quan trọng nhất cho sự phát triển của vi sinh vật. Tỉ lệ (COD/Y): N:P = (50/Y):5:1 và khoảng cần thiết duy trì trong bể, trong đó Y là hệ số sản lượng tế bào (Y = 0.03 - 0.15)  

2.5.  TSS 

UASB không phù hợp cho TSS dòng vào > 3000 mg/L. 

3.3.  Kiểm soát quá trình sinh học hiếu khí   

3.1.  pH

Giá trị pH của nước thải ảnh hưởng đến quá trình sinh hóa của vi sinh vật, quá trình tạo bùn và lắng. Quá trình xử lý sinh học hiếu khí hoạt động tốt với giá trị pH trong khoảng 6.5 - 7.5. Trong bể xử lý sinh học, do có các hoạt động phân hủy của các vi sinh vật và quá trình giải phóng CO2 nên pH của các bể luôn thay đổi. Giá trị pH thay đổi theo chiều hướng giảm là do quá trình khử nitrat hóa diễn ra làm giảm độ kiềm trong nước thải.
Các khoảng giá trị pH được thể hiện như sau: 
pH = 6.5-7.5: Khoảng giá trị pH tốt cho vi sinh 
pH <6.5: Phát triển chủng vi sinh dạng nấm, ức chế quá trình phân hủy chất hữu cơ 
pH >7.5: Ức chế quá trình phân hủy chất hữu cơ  

3.2.  Tải trọng hữu cơ – BOD, COD

Tải trọng hữu cơ ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình xử lý sinh học hiếu khí. Do đó cần có sự kiểm soát BOD, COD để giữ cho tải trọng bể ổn định và đạt hiệu suất tối ưu. 
Sự quá tải dẫn đến:
  • Giảm hiệu suất quá trình. 
  • Tăng hàm lượng BOD, COD của nước sau khi xử lý.
  • Trương bùn.

3.3.  Nồng độ oxy hòa tan - DO

Nồng độ oxy hòa tan tối ưu là từ 1.5 – 4.0 mg/l. Nhu cầu oxy tùy thuộc vào tải trọng hữu cơ (BOD; COD) và mật độ vi sinh vật trong bể phản ứng. Nồng độ oxy hòa tan nên được đo thường xuyên và tại nhiều vị trí khác nhau trong bể xử lý hiếu khí bùn hoạt tính lơ lửng.
Sự thiếu oxy trong bể phản ứng dẫn đến:
  • Giảm hiệu suất xử lý và chất lượng nước sau xử lý.
  • Giảm khả năng lắng, tăng số lượng vi khuẩn dạng sợi.
  • Ức chế quá trình oxy hóa.
Nồng độ oxy cao dẫn đến:
  • Phá vỡ bông bùn.
  • Giảm khả năng lắng, nước sau xử lý bị đục.
  • Tốn năng lượng.

3.4.  Kiểm soát bùn

Đối với bể xử lý sinh học hiếu khí, cần phải theo dõi chặt chẽ sự hình thành bùn trong bể. Tính quan trọng của bùn là khả năng tạo bông. Hoạt tính của bùn giảm theo tuổi của bùn. 
SVI là giá trị thể tích (mL) có trong 1 gram của MLSS sau khi lắng 30 phút trong một ống đong 1 lít. Thông thường, quá trình lắng sinh khối sẽ tốt khi 80<SVI<150. 
Lượng bùn ngày một gia tăng do sự phát triển của các vi sinh vật cũng như việc tách các chất bẩn ra khỏi nước thải. Số lượng bùn dư không giúp ích cho việc xử lý nước thải ngược lại nếu không lấy đi còn là trở ngại lớn. Lượng bùn dư này được bơm sang bể nén bùn để tăng nồng độ chất rắn, sau đó bơm vào máy ép bùn và thải bỏ ở dạng đặc sệt. 

3.5.  Tỷ số F/M 

Tỷ số tải trọng F/M là tỷ số lượng thức ăn (BOD) cung cấp mỗi ngày cho khối lượng vi sinh vật trong bể Aerotank. Tỷ số F/M được sử dụng để kiểm soát lượng MLSS trong bể xử lý sinh học hiếu khí bùn hoạt tính và có giá trị dao động từ  0,2 – 1,0.
Các khoảng giá trị F/M

3.6.  Tạo bọt

Lớp bọt trắng nổi trong bể Aerotank là nét đặc trưng hệ sinh học. Những bọt này thường xuất hiện nhiều ở giai đoạn khởi động và xuất hiện rất ít khi bể hoạt động ổn định.  
Sự thay đổi màu và số lượng bọt cho biết tình trạng của bể trong khi vận hành quá trình.
Số lượng bọt trắng nhiều  
  • Trong giai đoạn khởi động, bùn non đang trong giai đoạn thích nghi.
  • Sự tăng chất tẩy rửa trong nước thải. 
  • Quá tải bùn.
  • Có chất ức chế và độc chất.
  • pH cao hoặc quá thấp.
  • Thiếu oxy.
  • Thiếu dinh dưỡng.
  • Điều kiện nhiệt độ thất thường.
Bọt nâu
  • Vi khuẩn dạng sợi cùng với bùn trương
  • Tải lượng thấp của bể phản ứng
  • Nước thải chứa dầu mỡ 
Bọt đen sẫm
  • Nước thải có chứa chất màu 
  • Thiếu oxy 

3.4.  Kiểm soát chất lượng nước sau xử lý    

Định kỳ lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu trong nước thải sau xử lý như: pH, SS, BOD, COD, độ đục.

4.1.  pH 

pH của nước sau xử lý khoảng 6.5 – 8.5

4.2.  BOD 

BOD là đại lượng đặc trưng cho hiệu suất xử lý của quá trình. Sự tăng BOD của nước sau khi xử lý có thể do những nguyên nhân sau: Quá tải; thiếu oxy; pH không ổn định; thiếu dinh dưỡng; trúng độc.

4.3.  COD

COD đặc trưng cho lượng hữu cơ còn lại trong nước sau xử lý, COD bao gồm cả thành phần có thể phân hủy sinh học và không thể phân hủy sinh học. Việc phân tích COD có thể được sử dụng cho việc kiểm soát quá trình. Sự tăng COD của nước sau xử lý có thể do những nguyên nhân tương tự đối với sự tăng BOD. Tuy vậy, COD cũng có thể thay đổi nếu tính chất nước thải không ổn định (có chứa nhiều chất không phân hủy sinh học). Trong trường hợp đó BOD tương ứng không thay đổi.

4.4.  Chất rắn lơ lửng – SS 

Chất rắn lơ lửng cho phép chúng ta đánh giá tính chất của bùn. Sự gia tăng chất rắn lơ lửng có thể do những nguyên nhân sau: Sự trương bùn; bùn tăng trưởng quá mạnh; bùn chết (sau khi trúng độc); lượng bùn dư quá nhiều.

4.5.  Độ đục

Nói chung nước thải sau xử lý của hệ thống sinh học rất trong. Độ đục cho biết sự hiện diện của chất rắn lơ lửng. Chất rắn lơ lửng thường là những bông bùn trôi theo dòng nước sau xử lý, do bùn trương, trúng độc, quá tải...
Đôi khi chất rắn lơ lửng cũng có thể là những chất hóa học không thể phân hủy sinh học. Biểu hiện độ đục loại này cho thấy quá trình hoạt động chưa tốt. 
Cộng đồng KS.CNKTMT trên Zalo

Cộng đồng KS.CNKTMT trên Zalo Hot

Tham gia cộng đồng trên Zalo để nhận được sự tương tác tốt hơn.
Cộng đồng JOB-CNKTMT trên Zalo

Cộng đồng JOB-CNKTMT trên Zalo Hot

Nhóm đăng và tìm thông tin tuyển dụng ngành môi trường.
Like và chia sẻ bài viết này ủng hộ mình nhé!

1 Response to "Hướng dẫn vận hành và kiểm soát sự cố trong hệ thống xử lý nước thải"

  1. Mình có thể xin file tài liệu được không ạ.
    Đây là mail của mình: dotu.ddt9@gmail.com

    Trả lờiXóa

Được tải trợ

Liên kết

Đồng Hồ Đo Lưu Lượng Nước Thải | Thư viện môi trường | Mật ong rừng | Thiết Bị Đo Công Nghiệp | Vi Sinh Môi Trường | Tự Học Exsel | Công ty TNHH VLT | Cộng đồng kỹ thuật cơ điện VN
Hotline: 09.8484.2357